15 bí quyết để thuyết trình thành công
15 bí quyết để thuyết trình thành công
Thuyết trình giờ đây không còn là chuyện của riêng nghề diễn giả mà đã trở thành một phần kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống.
Hiếm khi một người sinh ra là đã có bản năng bẩm sinh thuyết trình; phần lớn họ rèn giũa kỹ năng nói chuyện qua quá trình phấn đấu, nỗ lực và tích lũy kinh nghiệm qua sách vở và quá trình giao tiếp.
 
 
 
 
15 bí quyết dưới đây là những đúc kết kinh nghiệm từ các chuyên gia thuyết trình, chúng sẽ giúp bạn cải thiện và nâng cao kỹ năng của mình, khiến buổi thuyết trình trở nên lôi cuốn và hiệu quả hơn, là bước khởi đầu hoàn hảo giúp bạn chinh phục đám đông bằng sức mạnh của ngôn từ.

1. Luôn ghi nhớ công thức 10-20-30 khi chuẩn bị tài liệu thuyết trình
Đây là một mẹo nhỏ từ Chuyên gia Guy Kawasaki - Người góp phần làm nên thành công của Apple. Ông cho rằng, các trang trình chiếu trên máy tính (slide) nên được chuẩn bị như sau:
- Không nên chuẩn bị quá 10 slides
- Không dài quá 20 phút
- Sử dụng khổ chữ từ size 30 trở lên 

Bởi vì làm theo điều này sẽ giúp bạn tránh được việc “nhồi nhét” quá nhiều thông tin vào 1 slide.
Thật ra, mục đích của các tài liệu trình chiếu cũng chỉ để hỗ trợ cho người thuyết trình mà thôi. Một tài liệu tốt sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu đi người diễn giải. Hãy luôn chắc rằng bạn đã chuẩn bị sẵn cho mình những mảnh giấy nhắc nhỏ vừa lòng bàn tay để phòng khi “quên bài”, tuy vậy đừng để mất điểm khi cứ nhìn chăm chăm vào đó.
Nếu cần bổ sung thông tin quan trọng, bạn nên chuẩn bị các mẩu giấy nhỏ và phát cho mọi người.

2. Tạo mối liên kết giữa bạn và người nghe
Nếu có thể, bạn nên đến sớm hơn vào mỗi sự kiện mà bạn phải thuyết trình. Điều này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quát cũng như kiểm soát được cả không gian và thời gian tại địa điểm mà bạn muốn tỏa sáng.

Với vai trò là người thuyết trình, bạn cần phải nắm bắt tâm trạng chung của khán giả để có thể lựa chọn cho mình không khí mở màn hợp lý. Nếu khán giả là một đám đông mà bạn chỉ quen một phần trong số đó, bạn nên bắt đầu nói với tiết tấu chậm, rõ ràng và nhẹ nhàng hơn một chút rồi sau đó mới xây dựng, đẩy nhanh lên.

Bên cạnh đó, hãy mỉm cười và dùng ánh mắt để kết nối với khán giả của bạn. Khi mỉm cười và nhìn vào mắt ai đó, bạn sẽ thu hút sự tập trung của họ vào bạn và điều bạn đang nói. Hành động này cũng khiến bạn giảm đi sự lo lắng vì nó tạo cảm giác như bạn đang thuyết trình cho một người, chứ không phải cả một đám đông lớn.

3. Tạo phần mở màn ấn tượng
Phần mở đầu của buổi thuyết trình rất quan trọng. Thông thường, mọi người sẽ thấy hứng thú nếu bạn mở đầu một cách vui vẻ. Vì thế, thay vì tốn nhiều thời gian giới thiệu bản thân một cách đơn điệu, hãy khuấy động bầu không khí và khiến mọi người trở nên thoải mái.

Gợi ý hay dành cho bạn chính là chuẩn bị sẵn một mẩu chuyện nhỏ thú vị có liên quan đến chủ đề bạn sắp đề cập.

4. Tập trung vào thông điệp cốt lõi
Nguyên tắc khi thuyết trình là không nói quá dài. Bởi khi bạn nói quá dài và mất nhiều thời gian sẽ khiến người nghe cảm thấy rối rắm, mệt mỏi, chán nản, khiến họ mất hết kiên nhẫn, chẳng còn hơi sức đâu để nghe hay đặt câu hỏi. Ngược lại, họ sẽ có cảm giác như bị “tra tấn” trong suốt quá trình nghe.

Lúc này, họ chỉ thấy “may mắn” khi bài thuyết trình kết thúc và chỉ nghĩ đến việc ra về cho khỏe (!) Họ không muốn nghe gì thêm nữa và tất nhiên, sẽ chẳng có ai tiếp thu bất kì một điều gì trong bài thuyết trình của bạn. Và tất nhiên đó sẽ là một bài thuyết trình thất bại.

Vậy điều phải làm là gì? Bạn cần trình bày một cách rõ ràng mạch lạc, có điểm nhấn và thông điệp rõ ràng. Có dẫn chứng, minh họa cụ thể, đẹp mắt càng tốt và tuyệt đối tránh tình trạng loạn nhịp và “loãng” thông tin.

5. Tránh các vấn đề nhạy cảm, động chạm
Động chạm đến vấn đề nhạy cảm của người nghe là điều tối kỵ trong mỗi bài thuyết trình. Có thể bạn không cố ý, nhưng điều đó sẽ khiến người nghe cảm thấy ức chế, phản cảm và thậm chí họ có thể cảm thấy mình đang bị xúc phạm, bêu xấu,...
 
Do vậy, bạn cần tìm hiểu rõ các đối tượng ngồi nghe bạn thuyết trình. Phải đọc và suy xét thật kỹ những nội dung trong bài thuyết trình.

6. Tự tin
Sự tự tin là một trong những điều cực kỳ cần thiết, thậm chí là bắt buộc phải đáp ứng đủ nếu bạn muốn bài thuyết trình của mình đi đến thành công. Đơn giản là vì chẳng ai dám đặt niềm tin hoặc tiền bạc của mình vào một vấn đề, dự án mà đến cả người nghĩ ra nó cũng không dám đảm bảo sẽ thành công và giờ còn đang ấp úng, ngập ngừng trong cuộc họp. Bởi vậy mới nói, sự tự tin, tin tưởng vào chính sản phẩm mình nghĩ ra sẽ tạo nên một sự tác động tâm lý một cách vô thức. Nó sẽ khiến người nghe cảm thấy trước hết là an tâm, sau đó mới có tâm trí để bắt đầu suy nghĩ, phân tích nhiều khía cạnh hơn về vấn đề mà bạn đặt ra

7. Tập trung vào điều khán giả cần biết
Khi chuẩn bị bài thuyết trình, hãy nói về những điều mà người nghe cần biết và muốn biết. Yếu tố này sẽ giúp bài thuyết trình của bạn gần gũi và được đón nhận nhiệt thành hơn.

Thuyết trình sẽ là chuyện nhỏ cho những ai hướng mình đến khán giả. Bạn cần duy trì tập trung và hồi đáp những phản ứng của khán giả. Sự hợp tác trong mọi cuộc diễn thuyết sẽ đến khi bạn bắt đầu bằng những gì mọi người biết thay vì nói những gì bạn biết.

8. Tôn trọng người nghe
Bất kỳ người dẫn trương trình, hay diễn thuyết một khi không đối xử với khán giả của mình với sự tôn trọng tuyệt đối thì sẽ khó có thể thành công và đạt được mục tiêu cuối cùng.

Khi thuyết trình, bạn cần tôn trọng thời gian của người nghe, không bao giờ được đến muộn. Bạn cũng cần tôn trọng những gì người nghe biết hay làm và không bao giờ nói rằng họ sai, thay vào đó hãy cung cấp cho họ một phương án thay thế.

9. Hãy là người kể chuyện thú vị
Những câu chuyện kể giúp thu hút sự chú ý và dễ dàng để ghi nhớ. Nếu bạn có thể lồng ghép các câu chuyện vào bài thuyết trình, các khán giả sẽ cảm thấy dễ đồng cảm và nhớ các vấn đề chính tốt hơn sau đó.

Một ý kiến, quan điểm được mô tả sinh động làm người nghe cảm nhận trí tuệ tinh tế của người nói, từ đó nhen nhóm sự tò mò, kích thích khán giả suy nghĩ.

10. Làm cho người nghe cười
Chủ định làm một người cười là không dễ, làm cho nhiều người cùng cười càng khó hơn. Bạn không phải diễn viên hài để có thể dễ làm điều này, nhưng đây thực sự là điều cần đạt được trong một số bài thuyết trình nhằm tạo sự cuốn hút, khiến bầu không khí trong khán phòng dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, bạn cần tránh chọc cười người khác khi lấy họ ra làm trò đùa. Thay vào đó, bạn có thể lấy những khuyết điểm, mặt hạn chế của bản thân để có thể đặt mình dưới người nghe và khiến họ cười. Pha trò bằng việc đúc rút những lỗi lầm và thất bại của chính bản thân cũng là một cách thú vị.

11. Khiến người nghe đồng cảm
Rất nhiều người không đủ can đảm để chia sẻ những câu chuyện đời tư, ngay cả với người bạn thân thiết của mình. Nhưng nếu bạn nghiêm túc về việc muốn giúp đỡ mọi người, đừng e ngại làm điều đó.

Bạn đã vượt qua nghịch cảnh để có được thành công, hãy chia sẻ cuộc hành trình đó. Bạn cũng nên kể câu chuyện thất bại của chính mình, để những người nghe có thể tránh mắc sai lầm tương tự.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần biết khi nào cần hoặc không sử dụng điều này.

12. Đừng quên giọng nói
So với các yếu tố khác, giọng nói là yếu tố ít gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, một giọng nói rõ ràng và truyền cảm sẽ khiến người nghe dễ tiếp nhận hơn.
Khi đang thuyết trình, hãy nhấn nhá và điều chỉnh tốc độ nói cùng âm vực của bạn ở những điểm quan trọng mà khán giả cần ghi nhớ.

13. Hãy tận dụng ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể cũng là một “phương tiện” giúp truyền tải hiệu quả các thông điệp của bạn đến người nghe. Khi thuyết trình, hãy thể hiện mình một con người cởi mở và tự tin. Bạn nên di chuyển chậm rãi quanh sân khấu và giữa người nghe để gia tăng sự tương tác.

Bạn tuyệt đối đừng nên khoanh tay trước ngực, vòng tay sau lưng hoặc cho tay vào túi,… vì tất cả hành động này đều vô tình “tố giác” bạn là một người bảo thủ, rụt rè và thiếu tự tin vào phần thuyết trình của mình.
 
 
 
 
14. Duy trì ngọn lửa nhiệt huyết đúng mức
Một ngọn lửa càng cháy mạnh, nó sẽ càng dễ tắt. Khi bạn cháy hết mình, khán giả lập tức sẽ hướng sự chú ý tới bạn. Tuy nhiên, để buổi thuyết trình đi đúng hướng, sự điềm tĩnh trong lời nói, cử chỉ mềm mại nhẹ nhàng sẽ để lại dư âm lâu hơn.

Khả năng mất kiểm soát có thể dễ dàng đến khi bạn “bùng cháy” quá mạnh mẽ nhưng cũng không nên duy trì ngọn lửa le lói, yếu ớt trong suốt buổi thuyết trình, nếu bạn không muốn người nghe ra về sớm hoặc ngủ.

15. Thư giãn, hít thở sâu và tận hưởng !
Nếu luôn “dọa” mình bằng ý nghĩ “Thuyết trình thật khó”, vậy bạn sẽ không thể bình tĩnh và thư giãn được.
Hãy hít thở sâu, thật đều và chậm rãi. Bạn cũng đừng quên duy trì nhịp thở đều đặn trong suốt khoảng thời gian thuyết trình.
Nguồn: Tổng hợp
 
 
CED được thành lập vào năm 2001, trực thuộc Viện Nghiên Cứu Châu Á – thành viên của Tập đoàn giáo dục Quốc tế Á Châu (GAIE); là nơi đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ngành nghề Quản trị - Điều hành - Nhân sự - Thư ký Trợ lý giám đốc, Sales - Marketing - PR - Tổ chức sự kiện, Tài chính - Kế toán, Xuất nhập khẩu - Logistics - Sản xuất - Kho vận, Kinh doanh - Chứng khoán - Đầu tư, Khách sạn v.v.. Ban giảng huấn của CED gồm những giảng viên có học vị cao tốt nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài, có quá trình giảng dạy và kinh nghiệm thực tiễn, cùng các Chuyên gia, Nhà Quản Lý các tập đoàn, công ty nhằm trang bị cho học viên kiến thức mang tính ứng dụng cao, giúp người học thành công trong xử lý công việc thực tế ngay sau khóa học. Vui lòng xem danh sách các khóa đào tạo TẠI ĐÂY

 

>> Xem tin tức khác